Doanh nghiệp gồng mình mua sắn giúp dân mùa dịch

Mặc dù đang tồn đọng một số lượng hàng hóa rất lớn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa vẫn chấp nhận vay vốn ngân hàng để thu mua sắn cho nông dân; thậm chí tính đến cả việc cho người trồng sắn mượn tiền không lãi để sống rồi cuối vụ trả bằng sản phẩm...


Description: Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa mở cửa thu mua sắn tươi cho nông dân trồng sắn giữa đại dịch	 /// Ảnh: Nguyễn Phúc

Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa mở cửa thu mua sắn tươi cho nông dân trồng sắn giữa đại dịch
ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Quảng Trị, do ảnh hưởng của Covid-19, thời gian qua nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh không bán được, tồn kho hoặc buộc phải bán với giá thấp. Trong đó, riêng tinh bột sắn bị tồn kho hiện lên tới 37.500 tấn, bao gồm của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (thuộc Tổng công ty thương mại tỉnh Quảng Trị) tồn kho 25.000 tấn.

Vay tiền để thu mua sắn giúp dân

Theo ông Nguyễn Bá Tài, Phó giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ra tết đến nay nhà máy gần như không thực hiện được một hợp đồng bán tinh bột sắn nào có giá trị đáng kể bởi thị trường chủ lực Trung Quốc bị “đóng băng”. Thực tế này dẫn tới tất cả các kho bãi của công ty ở H.Hướng Hóa, TP.Đông Hà và Lạng Sơn có thể sử dụng để chứa hàng đều đã quá tải. “Hiện nay các kho đã đầy, đặc biệt là ở kho bãi Lạng Sơn. Hiện toàn công ty tồn kho 25.000 tấn, tương đương 250 tỉ đồng vốn đọng”, ông Tài cho biết.
Đáng trân trọng là dù lâm cảnh khó khăn như nêu trên nhưng nhiều ngày qua nhà máy vẫn mở cửa thu mua sắn tươi cho bà con trồng sắn tại 2 vùng nguyên liệu Đakrông và Hướng Hóa, với giá ổn định 2.000 đồng/kg sắn tươi. Song song đó, nhà máy tiếp tục cho hoạt động hết công suất, nhân viên làm việc 3 ca/ngày, nhằm giúp dân có đầu ra cho nông sản, cải thiện thu nhập trong giai đoạn dịch bệnh và giải phóng đất để trồng vụ sắn mới.
Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Quảng Trị, nhìn nhận câu chuyện thu mua sắn tươi ở Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã không còn là chuyện làm ăn, mà mục tiêu chính là giúp đỡ người dân vượt qua thời điểm khó khăn này. “Chúng tôi phải đi vay tiền của ngân hàng để trả người dân”, ông Hiếu nói. Tuy nhiên, vị lãnh đạo tổng công ty này cũng thừa nhận đơn vị cũng đã “gồng mình” hết cỡ và nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan cấp trên cũng như về lãi suất vay, công ty sẽ phải tạm dừng thu mua dù sản lượng của vùng nguyên liệu còn tới 30.000 tấn củ chưa thu hoạch.

Mong tìm được nguồn tài chính mạnh

Song song với việc duy trì thu mua sắn tươi, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cũng cho biết đang triển khai cho nông dân trồng sắn vay tiền (5 - 10 triệu đồng/hộ) không lấy lãi. Đến cuối vụ thu hoạch sắn, người dân sẽ trả lại.
“Ở H.Đakrông và H.Hướng Hóa có 40.000 hộ dân trồng sắn và bán cho chúng tôi, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, theo khảo sát của anh em cán bộ địa bàn thì nhiều hộ trồng sắn đã rất khó khăn nên tôi nghĩ chỉ còn cách cho mượn tiền mới giúp được những hộ quá khó khăn này”, ông Hiếu nói, đồng thời mong muốn đơn vị, tổ chức nào có nguồn lực tài chính mạnh chung tay góp sức cho người dân trồng sắn vay tiền không trả lãi để họ vượt qua khó khăn. “Chúng tôi sẽ đứng ra bảo lãnh cho những khoản vay này, chứ không chỉ nói suông… Hiện nay, với nguồn lực có hạn, đơn vị chỉ có thể cho những hộ “cực nhất” vay, còn những hộ “cực vừa vừa” thì còn để ngỏ”, ông Hiếu chia sẻ.

NGUYỄN PHÚC - thanhnien.vn

Gửi cảm nhận của bạn


Các bài liên quan

Đơn vị thành viên  

bảo hộ lao động

Hiệp hội Sắn Việt Nam

Emailhiephoisanvietnam@gmail.com

Trụ sở chính: Số 3, Ngõ 479, Đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3793.9168         Fax: (024) 3793.9168
Văn phòng đại diện: Biệt thự 32 D7, khu biệt thự Sài Gòn Pearl, 92 nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

bảo hộ lao động in hóa đơn

Thiết kế bởi VTM IT