Tổng cục Hải quan Trung Quốc giải đáp về Lệnh 248 và 249

Tổng cục Hải quan Trung Quốc giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với những quy định mới của Lệnh 248, 249.

Ngày 20/11, Văn phòng SPS Việt Nam có văn bản thông báo về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
SPS Việt Nam cho biết, văn phòng vừa nhận được phản hồi của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) về danh sách doanh nghiệp đăng ký trước ngày 31/10 và mã số đăng ký doanh nghiệp trên bao bì thực phẩm.
Về mã số đăng ký doanh nghiệp, theo quy định của Lệnh 248, doanh nghiệp có thể sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp do Cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp hoặc do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp.
Trong trường hợp không kịp sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp, doanh nghiệp có thể sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp đã được Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Cơ quan có thẩm quyền, theo Văn phòng SPS VIệt Nam, là 5 cơ quan thuộc 3 Bộ gồm: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản & Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công thương).
Về danh sách doanh nghiệp đăng ký, Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) thông tin, đã nhận được danh sách kèm theo thông tin doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp đã đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 31/10.
Phía Trung Quốc cho biết, thời gian công bố mã số doanh nghiệp và kết quả đăng ký doanh nghiệp dự kiến vào nửa cuối tháng 12/2021.
Đối với các sản phẩm đã có giao dịch thương mại nêu tại phụ lục 1, Công hàm số 353 của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc), thông tin doanh nghiệp được cung cấp bởi các Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam chưa có các sản phẩm: đậu đỏ khô, cau khô, dừa biển khô, hạt dưa đỏ, hạt ý dĩ (hạt bo bo, hạt mạch) tách vỏ, gừng, hạt đậu tằm tươi hoặc bảo quản lạnh, cải thảo tươi hoặc bảo quản lạnh, cải xoăn (cải ngồng) tươi hoặc bảo quản lạnh, ớt tươi hoặc bảo quản lạnh (gồm ớt ngọt), hành (Allium fistulosum) tươi hoặc bảo quản lạnh, củ hoài sơn (Dioscorea oppositifolia) tươi hoặc bảo quản lạnh, đậu Hà Lan tươi hoặc bảo quản lạnh (tách vỏ/không tách vỏ), hành tây (củ) tươi và bảo quản lạnh, bột lúa mì, lúa mạch, quả cọ và hạt cọ dầu, vừng.
Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) đề nghị các Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhanh chóng cung cấp thông tin hoặc giải thích rõ không có giao dịch thương mại trong 5 năm qua (kể từ 01/01/2017 đến nay).
Mã số đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) và danh sách doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc trước ngày 31/10 là những điểm băn khoăn của phía Việt Nam khi thích ứng với Lệnh 248, 249. Theo Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã đăng ký cho 156 doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian này.

Các doanh nghiệp được đăng ký sớm đợt này sẽ hưởng ưu đãi về thủ tục.

156 doanh nghiệp được đăng ký sớm đợt này, sẽ hưởng ưu đãi về thủ tục. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ cần 3 giấy tờ gồm: giấy đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm, và bản cam kết. Nhóm doanh nghiệp sẽ được giãn thời hạn hoàn thiện hồ sơ tới tháng 6/2023, thay vì phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 8 của Lệnh 248 khi đăng ký sau ngày 1/11.
Bộ NN-PTNT, với cơ quan đầu mối thông tin là Văn phòng SPS Việt Nam, cũng tích cực trao đổi, đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Ngày 04/11, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi thư đề nghị Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) thông tin về kết quả đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, đáp ứng hướng dẫn tại Công hàm số 353/2021 về hướng dẫn triển khai đăng ký doanh nghiệp nước ngoài.
Trước mắt, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổng cục Hải quan Việt Nam và các hiệp hội, doanh nghiệp rà soát các sản phẩm đã có giao dịch thương mại xuất khẩu vào Trung Quốc. Mục tiêu để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin đăng ký doanh nghiệp cho các mặt hàng như đã nêu, tránh rủi ro về việc thu hẹp danh mục sản phẩm nông sản thực phẩm đã có giao dịch thương mại của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Bảo Thắng - Văn Việt (Báo Nông nghiệp VN)

Gửi cảm nhận của bạn


Các bài liên quan

Đơn vị thành viên  

bảo hộ lao động

Hiệp hội Sắn Việt Nam

Emailhiephoisanvietnam@gmail.com

Trụ sở chính: Số 3, Ngõ 479, Đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3793.9168         Fax: (024) 3793.9168
Văn phòng đại diện: Biệt thự 32 D7, khu biệt thự Sài Gòn Pearl, 92 nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

bảo hộ lao động in hóa đơn

Thiết kế bởi VTM IT