Sớm nghiên cứu và nhân rộng giống sắn chịu sâu bệnh

Thứ Ba, 28/07/2020 13:00 CH

Rẫy sắn của Mí Thuân ở thôn Ea Ngao, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) bị nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: VĂN THÙY

Bệnh khảm lá đang lây lan đến hầu hết diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện Sông Hinh và gây thiệt hại nặng cho nông dân. Hiện địa phương này nỗ lực tìm các giải pháp và kiến nghị ngành Nông nghiệp sớm nghiên cứu, tìm ra các giống chống chịu sâu bệnh, cho năng suất cao nhằm duy trì hiệu quả kinh tế của cây sắn.
 
Bệnh khảm lá lây lan trên diện rộng
 
Gia đình Mí Thuân ở thôn Ea Ngao, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) có khoảng 1,6ha đất tại vùng bán ngập nước lòng hồ thủy điện Sông Hinh lâu nay chủ yếu trồng sắn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây sắn nhà Mí Thuân trồng thường xuất hiện bệnh khảm lá nên năng suất, chất lượng không cao, có năm phải phá bỏ cả rẫy sắn bởi bị bệnh khảm lá. Theo Mí Thuân, biểu hiện của bệnh khảm lá sắn là cây ngừng phát triển, lá nhăn nhúm chuyển màu và ngày càng lụi dần. Rẫy sắn là nguồn thu nhập chính của cả gia đình, nhưng bệnh khảm lá không ngừng lây lan khiến gia đình Mí Thuân không khỏi lo lắng. Mí Thuân cho biết: Trước đây, có giống sắn mới năng suất cao nên gia đình đã đăng ký nhận từ Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên về trồng. Bước sang vụ thứ 2 thì sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nên một số diện tích phải phá bỏ, số còn lại năng suất không cao.
 
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT), bệnh khảm lá sắn do virus gây ra đang lây lan trên địa bàn tỉnh. Ngoài lây lan từ hom giống, nguy hiểm hơn là môi giới truyền bệnh khảm lá là bọ phấn trắng truyền bệnh qua việc chích hút nhựa từ cây bệnh sang cây không bệnh. Cây sắn khi nhiễm bệnh lá bị biến dạng, vàng loang lổ. Những diện tích hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm đã biểu hiện ngay và không cho thu hoạch. Cây sắn khi lớn mới nhiễm sẽ làm giảm năng suất, chất lượng củ. Do chưa có thuốc đặc trị, ngoài việc quản lý tốt nguồn giống, biện pháp tối ưu là tiêu hủy ngay những diện tích đã bị nhiễm bệnh…
 
Từ đầu năm đến nay, diện tích trồng sắn trên địa bàn tỉnh khoảng 28.130ha, nhưng số diện tích bị bệnh khảm lá do virus gây hại đã lên đến 12.465ha, trong đó diện tích sắn bị nhiễm bệnh nặng khoảng 1.870ha. Cụ thể, ở các huyện Sông Hinh khoảng 7.300ha (bị nặng khoảng 1.100ha), Sơn Hòa khoảng 1.750ha, Tây Hòa 400ha, Đồng Xuân hơn 3.000ha, Phú Hòa 15ha.
 
Cần nghiên cứu giống chống chịu sâu bệnh
 
Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, trước đây nông dân ở địa phương chủ yếu trồng các giống sắn KM98-5 hoặc KM140. Qua thời gian, các giống sắn này đã thoái hóa, nhiễm bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng... nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau này, nông dân chuyển đổi sang các giống sắn mới, vì phù hợp với thổ nhưỡng nên các giống sắn này cho sản lượng rất cao. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, bệnh khảm lá sắn lây lan nhanh và hoành hành nhiều rẫy sắn, nông dân phải phá bỏ và tìm những giống chống chịu sâu bệnh để trồng…
 
Hiện nay, tại khu vực bán ngập nước lòng hồ thủy điện Sông Hinh, ngoài rẫy sắn của Mí Thuân, một số rẫy sắn của hộ gia đình khác vẫn lên tươi tốt. Những rẫy sắn này nông dân trồng giống KM94. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ nông nghiệp xã Sông Hinh, cho biết: Nông dân trồng giống sắn KM94 này gần 20 năm qua, và quen gọi là “giống sắn nông dân” bởi được Hội Nông dân hỗ trợ. Nhược điểm của giống sắn KM94 là thân cây to cao nên tốn công dọn rẫy sau thu hoạch và năng suất chỉ bằng 85-90% những giống sắn mới. Theo dõi qua 2 vụ vừa qua, giống sắn KM94 này không nhiễm bệnh khảm lá, chỉ có bệnh chổi rồng nhưng chỉ nhiễm nhẹ vào giai đoạn cuối của chu kỳ, khi đó sắn đã có củ và có thể thu hoạch, nên năng suất không bị ảnh hưởng nhiều như bệnh khảm lá.
 
Sông Hinh là huyện miền núi có diện tích trồng sắn rất lớn, hơn 8.000ha. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh xuất hiện virus gây bệnh khảm lá sắn. Mặc dù các cơ quan chuyên môn ở tỉnh, huyện cũng như người dân đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng do không có thuốc đặc trị nên 2 năm qua, bệnh khảm lá đã lây lan đến hầu hết diện tích trồng sắn trên địa bàn. Dịch bệnh cùng với những tác động bất lợi của thời tiết đã làm năng suất sắn trung bình ở huyện Sông Hinh giảm từ 26 tấn/ha xuống còn 16 tấn/ha. Từ thực tế này, nông dân đã quay trở lại trồng giống sắn cũ KM94 và giống sắn này được coi là giải pháp để duy trì hiệu quả kinh tế của cây sắn trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng giống sắn KM94 ở huyện Sông Hinh không đáng kể, bởi trước đó đã xuất hiện nhiều giống mới cho năng suất cao hơn nên nông dân không duy trì giống sắn này.
 
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Qua thực tế, khi nông dân trồng trở lại giống sắn KM94 thì bệnh khảm lá không thấy xuất hiện trên cây sắn KM94. Huyện Sông Hinh kiến nghị tỉnh, Sở NN-PTNT mời các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu thêm về giống sắn KM94 và một số giống sắn chống chịu được sâu bệnh. Trước mắt, huyện đang phối hợp với Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên triển khai nghiên cứu và nhân rộng một số diện tích trồng giống sắn KM94 để cung cấp giống cho bà con trồng trong các vụ sắp tới. Đối với nông dân, huyện cũng đã khuyến cáo nên tìm và nhân rộng giống sắn KM94 để thay thế các giống sắn đang bị nhiễm bệnh khảm lá. Nếu mang lại hiệu quả kháng bệnh khảm lá, hy vọng trong 2-3 năm tới, giống sắn KM94 sẽ được phổ biến trên diện rộng ở địa bàn huyện. 

Trong thời gian chờ nghiên cứu những giống sắn chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá, giải pháp trước mắt là cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá lây lan như không sử dụng giống đã nhiễm bệnh, bón phân và nước tưới đầy đủ để cây có đủ sức đề kháng, thường xuyên thăm đồng ruộng để phát hiện, nhổ bỏ và tiêu hủy kịp thời những cây nhiễm bệnh khảm lá ngay từ lúc nhú mầm, ra lá.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự

VĂN THÙY - NGỌC NHƯ

Báo Phú Yên

Gửi cảm nhận của bạn


Các bài liên quan

Đơn vị thành viên  

bảo hộ lao động

Hiệp hội Sắn Việt Nam

Emailhiephoisanvietnam@gmail.com

Trụ sở chính: Số 3, Ngõ 479, Đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3793.9168         Fax: (024) 3793.9168
Văn phòng đại diện: Biệt thự 32 D7, khu biệt thự Sài Gòn Pearl, 92 nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

bảo hộ lao động in hóa đơn

Thiết kế bởi VTM IT