Đức Tín (Đức Linh, Bình Thuận): Dân thu nhập cao từ củ sắn

(Ngày 10/06/2020)
       

  

 Nông dân xã Đức Tín đang thu hoạch củ sắn

 5 năm trở lại đây, người dân ở xã Đức Tín, huyện Đức Linh (Đức Linh, Bình Thuận) đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây củ sắn (hay còn gọi là củ đậu) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về xã Đức Tín, huyện Đức Linh vào giữa vụ hè thu năm nay, chúng tôi thật ngỡ ngàng trước màu xanh mát mắt của những rẫy màu mà chủ yếu là củ sắn. Trên cánh đồng, người nông dân đang tất bật thu hoạch củ sắn, còn 2 bên đường, xe tải đứng đợi để chờ bốc hàng chở đi tiêu thụ. Chị Thẩm Thị Hằng, thôn 9, xã Đức Tín vui mừng cho biết: Trước đây, với 1 ha đất, gia đình chủ yếu trồng lúa nhưng năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh. Vì vậy, chị mạnh dạn luân canh sang trồng sắn, do chất đất phù hợp nên củ sắn phát triển, đạt năng suất cao. Vụ thu hoạch năm nay, 1 sào chị thu được từ 4,5 - 5 tấn củ, với giá trung bình 4.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng.
Theo các hộ dân đang thu hoạch, củ sắn là loại cây màu dễ trồng, mất ít vốn đầu tư nhưng lại tốn nhiều công chăm sóc. Theo đó, người nông dân phải lên luống trước khi trồng, cứ 8 - 10 ngày dùng kéo cắt tỉa hoa, nụ lộc non vươn dài khỏi mặt luống nhằm giúp cây chuyển nhanh từ giai đoạn sinh trưởng thân, lá sang phát triển củ. Thời gian trồng khoảng 4 - 5 tháng sẽ cho thu hoạch, so với cây lúa, củ sắn cho năng suất và giá cả cao hơn. Thu hoạch xong 6 sào củ sắn, sau khi trừ chi phí gia đình chị Nguyễn Thị Diệu, xã Đức Tín thu về hơn 50 triệu đồng. Chị Diệu cho biết: “So với năm trước, giá sắn đã hạ từ 7.000 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg, nhưng người dân vẫn có lãi”.
Vụ hè thu này, xã Đức Tín có hơn 80 ha trồng cây củ sắn. Hiện giá bán trung bình dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/kg; năng suất 1 sào đạt 4,5 - 5 tấn. Anh Đinh Đức Thuấn - Chủ tịch UBND xã Đức Tín, cho biết: “Trước đây, bà con nông dân chủ yếu trồng xen canh 1 vụ trên những khu ruộng cao. Nhưng những năm gần đây, do hiệu quả kinh tế mang lại cao, củ sắn đã dần được chuyển đổi thành cây trồng chính, xen canh quanh năm góp phần giảm nghèo cho địa phương”.
“Nông dân xã Đức Tín đã rất năng động, sáng tạo trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế. Họ đã liên kết với một số hộ dân có nguồn cung ứng giống cũng như đầu ra ở miền Tây để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng cung vượt cầu, thì người nông dân xã Đức Tín cần liên kết để lách thời vụ. Chẳng hạn như nông dân ở miền Tây trồng sắn thì bà con ở đây ngưng sản xuất. Việc lách vụ này sẽ mang hiệu quả kinh tế cao đối với mô hình trồng cây củ sắn”, ông Trương Văn Hòa - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh chia sẻ.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh mùa vụ để nâng cao giá trị, hiệu quả của đất canh tác là một hướng đi đúng. Vì thế, với mô hình trồng cây củ sắn của nông dân xã Đức Tín, huyện Đức Linh là yếu tố quan trọng, giúp xã xây dựng và giữ vững tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân.

Báo Bình Thuận

Gửi cảm nhận của bạn


Các bài liên quan

Đơn vị thành viên  

bảo hộ lao động

Hiệp hội Sắn Việt Nam

Emailhiephoisanvietnam@gmail.com

Trụ sở chính: Số 3, Ngõ 479, Đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3793.9168         Fax: (024) 3793.9168
Văn phòng đại diện: Biệt thự 32 D7, khu biệt thự Sài Gòn Pearl, 92 nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

bảo hộ lao động in hóa đơn

Thiết kế bởi VTM IT