Kon Tum: Hiệu quả từ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng mì

Thực hiện Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước vụ đông xuân, từ đầu mùa khô năm 2016-2017, nhiều người dân ở huyện Sa Thầy được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ phân bón, giống mì mới và chuyển giao kỹ thuật trồng mì trên đất trồng lúa thiếu nước. Qua hơn 6 tháng kể từ khi trồng, đến nay, người dân bước vào vụ thu hoạch.
Để hiểu rõ hơn về vụ thu hoạch, chúng tôi về thôn 4, thị trấn Sa Thầy. Phấn khởi trước thành quả thu được, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết, hưởng ứng chủ trương của huyện về chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng mì, đầu mùa khô 2016-2017, gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ trồng 0,3ha mì HL-S11. Bình quân mỗi bụi mì từ 2,5-3kg củ. Với giá bán 1.350 đồng/kg như hiện nay, mỗi sào mì hơn 1.000 bụi, gia đình dự thu được khoảng 4-4,2 triệu đồng/sào. Cũng trên đất này, mùa khô trước gia đình trồng lúa thiếu nước tưới, cây lúa mất trắng. So với trồng lúa, việc trồng mì giống mới theo kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao hiệu quả kinh tế hơn nhiều.

Bà con nông dân thị trấn Sa Thầy phấn khởi thu hoạch mì

Tham gia trồng mì trên đất trồng lúa thiếu nước, ông Phan Văn Tâm (thôn 4, thị trấn Sa Thầy) khẳng định, giống mì mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật có hiệu quả trên đồng đất ở địa phương. “Trồng lúa trong vụ đông xuân trên diện tích thường thiếu nước tưới trong những năm trước, thu hoạch khá bấp bênh, nhiều năm mất trắng. Việc chuyển đổi sang trồng mì không sợ thiếu nước, thu nhập cao và ổn định hơn. Sau thu hoạch, gia đình giữ giống, tiếp tục trồng mì cho mùa khô năm sau” – ông Tâm bộc bạch.
Theo bà Tống Thị Nghĩa – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thực hiện Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước vụ đông xuân 2016-2017, huyện Sa Thầy có 615 hộ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ trồng gần 100ha mì. Ở diện tích đất trồng mì này, những năm trước đây trong vụ đông xuân bà con trồng lúa hay bị thiếu nước, có năm thất thu. Việc chuyển đổi từ lúa sang trồng mì có lợi cho nông dân. Qua đánh giá, 60% diện tích mì phát triển tốt và 40% diện tích mì phát triển trung bình. Mặc dù năm nay giá mì không cao, nhưng qua thực tế thu hoạch, việc trồng mì giúp cho bà con thu nhập cao và ổn định hơn so với trồng lúa.
Đánh giá việc chuyển đổi, ông Đoàn Năng Rường – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trước khi trồng, tỉnh khảo nghiệm 5 loại giống mì mới và chọn 2 giống mì (KM 419 và HL-S11) cho năng suất khá cao hỗ trợ cho dân trồng. Cây mì do bà con nông dân ở huyện Sa Thầy trồng theo Đề án hiện nay đang thu hoạch để lấy đất chuẩn bị cho sản xuất lúa vụ mùa. Kết quả thu mì của bà con nông dân ở huyện khá khả quan, lợi nhuận thu được khá cao so với trồng lúa.
Thành công bước đầu trong việc chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước sang trồng mì ở huyện Sa Thầy năm nay đang trở thành nguồn động lực giúp cho người dân tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi trong những năm đến.

Theo Báo Kon Tum

Gửi cảm nhận của bạn


Các bài liên quan

Đơn vị thành viên  

bảo hộ lao động

Hiệp hội Sắn Việt Nam

Emailhiephoisanvietnam@gmail.com

Trụ sở chính: Số 3, Ngõ 479, Đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3793.9168         Fax: (024) 3793.9168
Văn phòng đại diện: Biệt thự 32 D7, khu biệt thự Sài Gòn Pearl, 92 nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

bảo hộ lao động in hóa đơn

Thiết kế bởi VTM IT