Sản lượng sắn giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19

Hiện các nhà máy tinh bột sắn tại Đắk Lắk ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu hoạch và vận chuyển sắn củ gặp khó khăn.
Trong mấy tháng qua, lượng tiêu thụ của thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm gây ra nhiều khó khăn cho các nhà máy sắn Việt Nam. Tồn kho sắn cao hơn kế hoạch hàng năm, trong khi tình hình dịch Covid 19 tại Việt Nam và trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, đã gây nên sức ép đối với các nhà máy có tiềm lực tài chính trung bình. Nguồn cung sắn tươi nguyên liệu của Việt Nam giảm, khiến cho sản lượng tinh bột sắn liên tục giảm, trong khi thị trường sắn lát khô của Việt Nam vẫn ổn định. 
Một số nhà máy sản xuất tinh bột sắn tại khu vực phía Bắc đã dừng sản xuất do nguồn cung sắn tươi thấp. Hiện các nhà máy tinh bột sắn tại Đắk Lắk ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu hoạch và vận chuyển sắn củ gặp khó khăn. Giá tinh bột sắn tại Tây Ninh giảm mạnh do tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Giá trị xuất khẩu vẫn cao
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý II/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam đạt 618,61 nghìn tấn, trị giá 250,04 triệu USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam trong quý II/2021 tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu sắn và các sản phẩm sắn toàn cầu tăng.
Quý II/2021, sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 98,7% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước, đạt 613,3 nghìn tấn, trị giá 246,8 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý II/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam sang một số thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Phi, Ma-lai-xi-a… giảm, trong khi xuất khẩu sang một số thị trường vẫn đạt được tăng trưởng mạnh như: Pa-pu-a Niu Ghi-nê, Pa-ki-xtan, Xin-ga-po… Tuy nhiên trị giá xuất khẩu sang các thị trường này vẫn ở mức thấp. 
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam trong quý II/2021, với 551,22 nghìn tấn, trị giá 223,22 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 89,4% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước. Thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn thứ hai là Hàn Quốc với 45,51 nghìn tấn, trị giá 15,63 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 75,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 6,7% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước trong quý II/2021.
Về chủng loại xuất khẩu: Trong quý II/2021, tinh bột sắn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 77,8% tổng trị giá sắn và các sản phẩm sắn xuất khẩu của cả nước, với 410,65 nghìn tấn, trị giá 194,54 triệu USD, giảm 7,7% về lượng, nhưng tăng 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 94,1% tổng trị giá tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 386,86 nghìn tấn, trị giá 183,02 triệu USD, giảm 7,5% về lượng, nhưng tăng 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, trong quý II/2021, xuất khẩu sắn lát khô có xu hướng tăng mạnh, với 207,36 nghìn tấn, trị giá 54,81 triệu USD, tăng 25,5% về lượng và tăng 43,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 73,3% tổng trị giá sắn lát khô xuất khẩu của cả nước, với 164,36 nghìn tấn, trị giá 40,19 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 36,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 
5 thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới và thị phần của Việt Nam
Trong 5 tháng đầu năm 2021, ngoài Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu sắn của các thị trường lớn đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, nhập khẩu sắn từ Việt Nam của các thị trường này lại tăng, tuy nhiên thị phần sắn của Việt Nam tại các thị trường này đều ở mức thấp. 
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới. Với sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi, trong khi nguồn cung ngô ở Mỹ và Nam Mỹ gặp khó do thời tiết bất lợi, nên Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi.
Dự báo xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu sắn của Trung Quốc đạt 719,35 triệu USD, tăng 105,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 103,95 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần sắn của Việt Nam chiếm 14,5% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc. 
Tại thị trường Trung Quốc, sắn của Việt Nam chịu sự cạnh tranh bởi sắn của Thái Lan và In-đô-nê-xi-a. Nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 722,7 triệu USD, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 102,6 triệu USD, giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 14,2% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm mạnh so với mức 41% của cùng kỳ năm 2020.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Gửi cảm nhận của bạn


Các bài liên quan

Đơn vị thành viên  

bảo hộ lao động

Hiệp hội Sắn Việt Nam

Emailhiephoisanvietnam@gmail.com

Trụ sở chính: Số 3, Ngõ 479, Đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3793.9168         Fax: (024) 3793.9168
Văn phòng đại diện: Biệt thự 32 D7, khu biệt thự Sài Gòn Pearl, 92 nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

bảo hộ lao động in hóa đơn

Thiết kế bởi VTM IT