Xuất khẩu nông sản 9 tháng: Cà phê tụt sâu, sắn tăng vút

(DNVN) - Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng năm 2015, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014. Giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (32,2%), cao su (13,7%) và gạo (15,7%), ngược lại, các mặt hàng như sắn, hạt điều lại tăng cao.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 9 năm 2015 ước đạt 2,15 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 9 tháng đầu năm 2015 lên 21,65 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (32,2%), cao su (13,7%) và gạo (15,7%).

Xuất khẩu nông sản 9 tháng: Cà phê tụt sâu, sắn tăng vút. Ảnh minh họa.

Cụ thể, đối với mặt hàng cà phê: xuất khẩu cà phê trong tháng 9 năm 2015 ước đạt 81 nghìn tấn với giá trị đạt158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 961 nghìn tấn với tổng giá trị 1,96 tỷ USD, giảm 31,2% về khối lượng và giảm 32,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2.054 USD/tấn, giảm 0,23% so với năm 2014. 
Về thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết, Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 với thị phần lần lượt là 14,41% và 11,46%. Giá trị xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2015 ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. 
Giảm mạnh thứ hai là mặt hàng cao su: ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 9 năm 2015 đạt 100 nghìn tấn với giá trị đạt 131 triệu USD, với ước tính này 9 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 740 nghìn tấn, giá trị đạt 1,06 tỷ USD, tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 1.451 bUSD/tấn, giảm 19,56% so với cùng kỳ năm 2014. 
Về thị trường, Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015, chiếm 71,85% thị phần. So với cùng kỳ năm 2014, giá trị xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2015 tăng ở thị trường Trung Quốc (9,76%), còn lại đều giảm ở 9 thị trường chính. 
Tiếp theo là mặt hàng gạo: Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 năm 2015 ước đạt 428 nghìn tấn với giá trị đạt 177 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 4,47 triệu tấn và 1,92 tỷ USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 430,87 USD/tấn, giảm 5,08% so với cùng kỳ năm 2014. 
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 với 35,37% thị phần. Tám tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 2,64% về khối lượng và giảm 8,74% về giá trị). So với tám tháng đầu năm 2014, các thị trường có sự tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2015 là thị trường Malaixia tăng 35,75% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 8,87% thị phần; thị trường Gana tăng 21,8% về khối lượng và tăng 16,15% về giá trị, đứng vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam; thị trường Bờ Biển Ngà tăng 77,56% về khối lượng và tăng 77,93% về giá trị, đứng thứ 5 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam. Các thị trường có sự giảm đột biến trong 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipin (giảm 41,01% về khối lượng và giảm 44,69% về giá trị), Singapore (giảm 37,24% về khối lượng và giảm 34% về giá trị), và Hong Kong (giảm29,37% về khối lượng và giảm 35,36% về giá trị). 
Giảm mạnh tiếp theo là mặt hàng chè: : khối lượng xuất khẩu chè tháng 9 năm 2015 ước đạt 10 nghìn tấn với giá trị đạt 17 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 88 nghìn tấn với giá trị đạt 151 triệu USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá chè xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 1.710 USD/tấn, tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2014. 
Trong 8 tháng đầu năm 2015, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 38,15% thị phần – tăng 9,54% về khối lượng và tăng 8,56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng đột biến là Nga (tăng 33,45%), các TVQ Arập Thống nhất (gấp gần 3 lần) và Indonesia (tăng 15,59%).
Mặt hàng tiêu dù giảm mạnh về sản lượng nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm không đáng kể. Cụ thể, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 9 năm 2015 ước đạt 7 nghìn tấn, với giá trị đạt 66 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 9 tháng đầu năm 2015 lên 110 nghìn tấn với giá trị 1,04 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 9.420 USD/tấn, tăng 26,35% so với cùng kỳ năm 2014. 
Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Singapore với 37,89% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (35,27%), Hàn Quốc (53,34%), Tây Ban Nha (27,79%) và Anh (24,23%).
Trái ngược với các loại trên, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn lại tăng mạnh về cả số lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 9 năm 2015 ước đạt 235 nghìn tấn, với giá trị đạt 84 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 9 tháng đầu năm 2015 đạt 3,27 triệu tấn với giá trị 1,03 tỷ USD, tăng 28,4% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. 
Trong 8 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính chiếm tới 89,17% thị phần, tăng37,1% về khối lượng và tăng 33,03% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Thị phần của các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là Nhật Bản (tăng 72,29% về khối lượng và tăng 84,45% về giá trị) và Đài Loan (tăng 46% về khối lượng và tăng 43,51% về giá trị). 
Tương tự, mặt hàng hạt điều cũng tăng mạnh. Cụ thể, khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 9 năm 2015 ước đạt 30 nghìn tấn với giá trị 218 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 đạt 245 nghìn tấn với 1,78 tỷ USD, tăng 7,8% về khối lượng và tăng 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 7.271 USD/tấn, tăng 12,48% so với cùng kỳ năm 2014. 
Về thị trường, Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 36,29%, 12,56% và 12,32% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (79,7%), Thái Lan (51,38%), Hoa Kỳ (35,33%), Hà Lan (33,67%) và các TVQ Arập Thống nhất (22,01%). 

Nguồn: doanhnghiepvn.vn

 

Gửi cảm nhận của bạn


Các bài liên quan

Đơn vị thành viên  

bảo hộ lao động

Hiệp hội Sắn Việt Nam

Emailhiephoisanvietnam@gmail.com

Trụ sở chính: Số 3, Ngõ 479, Đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3793.9168         Fax: (024) 3793.9168
Văn phòng đại diện: Biệt thự 32 D7, khu biệt thự Sài Gòn Pearl, 92 nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

bảo hộ lao động in hóa đơn

Thiết kế bởi VTM IT