Xuất khẩu nông sản: Cần thuốc đặc trị bệnh “được mùa mất giá”

Vietnamtapioca – Các chuyên gia cho rằng căn bệnh nan y “được mùa mất giá” vẫn chưa có thuốc đặc trị và đang lây lan nhanh chóng sang tất cả các ngành nông sản XK.

Xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều… từ đầu năm đến nay tụt dốc cả về sản lượng, kim ngạch và giá.

Giảm cả lượng và giá

xuat khau nong san can thuoc dac tri benh duoc mua mat gia 300x163 Xuất khẩu nông sản: Cần thuốc đặc trị bệnh “được mùa mất giá”Thông tin về việc hạ chỉ tiêu sản lượng gạo xuất khẩu (XK) vừa được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra là tín hiệu rõ nét nhất về sự tụt dốc của nhóm hàng nông sản. Cụ thể, theo VFA, mục tiêu đặt ra cho XK gạo năm nay sẽ chỉ còn ở mức 6,7 triệu tấn thay vì 7,5 triệu tấn như ban đầu, giảm 11%. Đây là lần thứ hai VFA hạ chỉ tiêu trong năm nay, trước đó đã điều chỉnh xuống mức 7-7,2 triệu tấn.

Nguyên nhân VFA đưa ra là do tình hình nguồn cung thế giới tăng mạnh, thị trường XK bị cạnh tranh ngày càng lớn, điển hình như Pakistan, Ấn Độ. Việt Nam cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh từ Thái Lan với tham vọng hạ giá để đẩy mạnh XK gạo. Ngoài ra, XK tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng tăng mạnh làm cạn nguồn gạo XK chính ngạch.

Trong số các ngành hàng nông sản XK, có lẽ cao su là mặt hàng chịu thua thiệt về giá nhất so với năm trước. Thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho thấy hồi đầu năm nay giá cao su XK còn ở mức khoảng 2.685 USD/tấn, nhưng đến tháng 10-2013 chỉ còn 2.371 USD/tấn, tức giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2012, hay giảm 43% so với mức đỉnh đạt được trong năm 2011. Do giá giảm mạnh, dự kiến kim ngạch XK cao su chỉ đạt khoảng 2,4 tỷ USD trong năm nay.

Bà Trần Thị Thúy Hoa – Chánh văn phòng VRA nhận định nguyên nhân khiến giá cao su sụt giảm mạnh là do kinh tế thế giới hồi phục yếu, khiến nhu cầu cao su tăng chậm. Thêm vào đó, tồn kho cao su ở Trung Quốc trong thời gian qua tăng cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá XK mặt hàng này.

Cà phê – mặt hàng đứng trong top đầu về kim ngạch XK của Việt Nam cũng đang có sự lao dốc thê thảm cả lượng và chất. 10 tháng đầu năm 2013, XK mặt hàng này giảm 24% về lượng và 23,9% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Hai mặt hàng nông sản khác cũng chịu chung cảnh sụt giá là hạt điều và hồ tiêu.

Theo Hiệp hội điều Việt Nam, tính đến tháng 10-2013, XK điều dù tăng 15,5% về lượng nhưng kim ngạch chỉ tăng 8,5% so với năm ngoái, nguyên nhân do giá điều nhân XK 2 quý đầu năm sụt giảm mạnh (khoảng 6.300 USD/tấn so với 6.900 USD cùng kì 2012). Tương tự, số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho thấy, năm 2012 giá tiêu đen Việt Nam chỉ thua giá tiêu thế giới khoảng 295 USD/tấn thì hiện nay chênh lệch lên đến 400 USD/tấn.

Cần thuốc đặc trị

Theo quy luật thị trường, giá giảm thường xuất phát từ nguyên nhân cung vượt cầu. Tuy nhiên, đối với nhiều ngành hàng nông sản XK của Việt Nam, giá sụt giảm nhưng nguyên nhân thì rất khó chỉ ra. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do chúng ta chưa lường trước những thách thức khi hội nhập sâu rộng.

Dù Việt Nam đã trở thành một quốc gia có vị thế trên trường quốc tế với vị trí số 2 thế giới về XK gạo, cà phê, giữ ngôi vương XK điều, hạt tiêu… nhưng thực tế giá trị hàng hóa của ta thấp, cũng như việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Việc thay đổi chính sách chưa bắt kịp với các cam kết WTO đã khiến ngành nông nghiệp không phát huy được hết tiềm năng của mình.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các ngành nông sản XK chủ chốt nói riêng là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trong đó người nông dân luôn “đơn độc” trong khâu nuôi trồng của mình.

Nông dân chỉ biết sản xuất ra để bán cho thương lái, họ chỉ nghe và làm theo thương lái, thương lái quyết định giá mua cao hay thấp. Trong khi đó, đa số DN XK lại chỉ lo thu gom nguyên liệu khi vào mùa vụ và tính toán giá XK sao cho có lợi nhuận chứ không quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu và đảm bảo lợi ích của người nông dân.

Đồng quan điểm, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng những bất cập trong quan hệ giữa nông dân và DN và giữa DN với nhau đã cản trở sự phát triển của các ngành hàng nông sản XK mà Việt Nam có thế mạnh ngay cả khi không có đối thủ cạnh tranh như ngành cá tra.

Do đó, điều cần làm ngay nữa là phải tổ chức được chuỗi ngành hàng bằng cách mở rộng liên kết ngang (xây dựng các hợp tác xã, tổ, nhóm liên kết nông dân; tổ chức các hiệp hội DN, các hiệp hội thương nhân…), đồng thời mở rộng liên kết dọc (liên kết giữa tổ chức của người sản xuất với tổ chức của người chế biến và kinh doanh) nhằm tạo sự đồng bộ về tiêu chuẩn chất lượng, mở ra khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quan trọng nhất là điều tiết được giá thành.

Gửi cảm nhận của bạn


Các bài liên quan

Đơn vị thành viên  

bảo hộ lao động

Hiệp hội Sắn Việt Nam

Emailhiephoisanvietnam@gmail.com

Trụ sở chính: Số 3, Ngõ 479, Đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3793.9168         Fax: (024) 3793.9168
Văn phòng đại diện: Biệt thự 32 D7, khu biệt thự Sài Gòn Pearl, 92 nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

bảo hộ lao động in hóa đơn

Thiết kế bởi VTM IT