The export market of Vietnam cassava and processed cassava

Thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam

Cập nhật: 04/11/2013 4:51:14 CH

 

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tại Việt Nam cây sắn đã từ một cây lương thực phụ, trở thành cây công nghiệp quan trọng, với diện tích, năng suất và sản lượng tăng nhanh. Sắn được trồng nhiều ở vùng Bắc Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông.

 

 

 Tổng diện tích trồng sắn của cả nước năm 2012 đạt 560.000 ha với tổng sản lượng củ sắn tươi đạt khoảng 9,5 triệu tấn. Các sản phẩm từ sắn được xuất khẩu bao gồm tinh bột sắn, sắn lát và cồn chế biến từ sắn. Với hơn 100 nhà máy công suất lớn và hàng trăm cơ sở chế biến thủ công, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Tây Ninh, công nghiệp chế biến tinh bột sắn cho sản lượng tinh bột trên 1 triệu tấn/năm.

Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn

Sắn và sản phẩm từ sắn là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nóng trong những năm qua, sau khi nhu cầu nhập khẩu sắn từ các thị trường Trung Quốc và Đài Loan tăng mạnh. Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn, sau Thái Lan. Các sản phẩm sắn đã gia nhập nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn sản phẩm sắn các loại trị giá 1,35 tỷ USD, tăng hơn 57% về lượng và gần 41% về giá trị so với năm 2011. Năm 2012, khối lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt kỷ lục, trong đó các thị trường nhập khẩu chính đều tăng mạnh: Trung Quốc tăng 65,1% về lượng và 66,6% về giá trị; Hàn Quốc tăng 11,4% về lượng và 5% về giá trị; Philippines tăng 30,9% về lượng và 77,8% về giá trị. Riêng Malaysia có sự sụt giảm cả về lượng và giá trị với mức giảm tương ứng 20% và 16%.Trong 8 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 3,2 triệu tấn sản phẩm sắn các loại, đạt kim ngạch 757 triệu USD, giảm 28% về lượng và giảm 22,33% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm gần 86% tổng xuất khẩu sản phẩm sắn của Việt Nam, với 1,9 triệu tấn trị giá 646 triệu USD, giảm 31,2% về lượng và giảm 24,43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. Hàn Quốc đứng thứ hai về nhập khẩu sản phẩm sắn từ Việt Nam với 180.200 tấn, trị giá 48,8 triệu USD, tăng 54,6% về lượng và tăng gần 60% về trị giá. Philippines đứng thứ ba, nhập khẩu 50.300 tấn, trị giá 17,6 triệu USD, tăng 60% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoài. Đây là hai thị trường nhập khẩu tăng trưởng mạnh nhất so với các thị trường khác.

Ngoài sản lượng sắn trong nước, Việt Nam cũng mua nhiều sắn tươi từ Campuchia để chế biến tinh bột. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Thương mại Campuchia, trong 8 tháng đầu năm nay, nước này chỉ xuất khẩu được 288.300 tấn sắn khô và tươi, trị giá 15,2 triệu USD, giảm 56% so với mức 34,5 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Cả năm 2012, Campuchia đã xuất khẩu 722.250 tấn sắn khô và tươi, đạt giá trị 38 triệu USD, chủ yếu  sang các thị trường Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Giá sắn nguyên liệu tăng cùng với việc các nhà máy chế biến giảm mạnh công suất hoạt động đã làm tăng khấu hao khiến cho giá thành tinh bột sắn xuất xưởng tiếp tục tăng mạnh. Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2013, giá tinh bột sắn thành phẩm xuất xưởng đã tăng lên mức hơn 10.000 đồng/kg. Giá tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan tăng liên tục trong thời gian qua đã kéo theo giá xuất khẩu tinh bột của Việt Nam tăng lên, mặc dù lượng mua không tăng đột biến. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá tinh bột sắn xuất khẩu cuối tháng 6/2013 giao đường biển đạt 505 - 510 USD/tấn FOB TP Hồ Chí Minh, tăng 3% so với cuối tháng 5/2013 và tăng 20% so với giá cuối tháng 12/2012. Theo đường biên mậu sang Trung Quốc, cuối tháng 6/2013 giá tinh bột sắn là 3.100 NDT/tấn DAF cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, bằng giá cuối tháng 5/2013 và tăng 7% so với giá cuối tháng 12/2012.

Tiêu thụ sắn của các ngành công nghiệp trong nước

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm giảm cả về tổng đàn lẫn giá thành đầu ra. Giá trị sản xuất của ngành chỉ tăng trưởng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,9% của cùng kỳ năm 2012 và 4,7% của năm 2011. Ngành nuôi trồng thủy sản, giá trị sản xuất cũng chỉ tăng trưởng 1,8%, giảm mạnh so với mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm trước, do 2 sản phẩm lớn nhất là cá tra và tôm đông lạnh đều chịu nhiều tác động bất lợi trên thị trường xuất khẩu.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn đã tác động mạnh đến sản xuất, tiêu thụ thức ăn chăn nuôi và đẩy mức tồn kho lên cao tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng nguyên liệu là sắn và bã sắn. Trong 6 tháng đầu năm 2013, sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2012. Trong 5 tháng đầu năm 2013, chỉ số tăng này là 0,6%, còn mức tồn kho thức ăn chăn nuôi vẫn tăng 9,8%. Nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu sắn và bã sắn chậm do thức ăn cho gia súc và thủy sản bán chậm, các nhà máy thức ăn chăn nuôi phải giảm sản xuất nên giảm nhu cầu mua nguyên liệu, trong khi vụ sắn mới đang đến gần.

 Ngành sản xuất cồn

Hiện Việt Nam đã có 6 nhà máy sản xuất ethanol hoàn tất xây dựng và sẽ có một số nhà máy nữa chuẩn bị đầu tư xây dựng, nhằm phục vụ lộ trình sử dụng xăng sinh học E5 từ cuối năm 2014 và E10 từ năm 2016, theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do thiếu vốn và giá sắn nguyên liệu tăng lên, trong khi lộ trình sử dụng xăng E5 tới cuối năm 2014 mới triển khai thực hiện, nên các nhà máy sản xuất ethanol hầu hết phải đóng cửa.

Hiện chỉ có Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Nhà máy Tùng Lâm còn sản xuất ethanol nhưng không chạy hết công suất. Các nhà máy này đã có sản phẩm cồn bán trong nước và xuất khẩu, nhưng hiện đang phải hoạt động cầm chừng. Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia  đang là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu cồn của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu cồn trị giá 45 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, lớn nhất là thị trường Hàn Quốc đạt 15 triệu USD và Philippines đạt 13 triệu USD.

Để giải quyết khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất cồn ethanol đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn, đồng thời áp thuế xuất khẩu sắn lát để hạn chế bán sang Trung Quốc, dành sản lượng sắn cho sản xuất ethanol trong nước với giá nguyên liệu hợp lý. Tuy nhiên, do lượng sắn trồng nhiều, cần đảm bảo tiêu thụ hết sắn cho nông dân, vì vậy Bộ Công Thương cho rằng chưa thể áp thuế xuất khẩu ngay mà cần phải có lộ trình cụ thể. Từ giữa tháng 10 là thời điểm thu hoạch sắn ồ ạt ở Thái Lan. Tại Việt Nam, dự báo năm nay sẽ được mùa sắn, miền Đông Nam Bộ bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 11 và Tây Nguyên sẽ bắt đầu vụ thu hoạch từ đầu tháng 12. Tuy nhiên, hiện tại cảng Quy Nhơn, một cảng chính xuất khẩu sắn của Việt Nam, những ngày gần đây vắng bóng tàu vào lấy hàng. Tồn kho sắn tại Việt Nam đang phải chịu nhiều áp lực do nhu cầu nội địa cũng như hợp đồng xuất khẩu đều thấp, trong khi vụ mùa mới đang đến với dự báo sản lượng cao, ngoài ra nguồn cung sắn từ Thái Lan và Indonesia cũng rất lớn.

Sự trì trệ của nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đã khiến nhiều nhà máy sản xuất cồn tại nước này phải đóng cửa, một số còn lại giảm công suất, nên nhu cầu mua sắn lát của Trung Quốc giảm mạnh, trong khi đó nhu cầu sắn cho sản xuất cồn tại Hàn Quốc cũng không tăng thêm, nên tiêu thụ sản phẩm sắn nói chung sẽ không có biến động nhiều.

Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, với sản lượng sắn và công nghiệp chế biến tinh bột sắn đạt tiêu chuẩn như hiện nay, nếu Việt Nam mở rộng thị trường sang các nước châu Âu, Mỹ thì kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn có thể đạt 2 tỷ USD/năm trong các năm tới. Tuy nhiên, trước tình hình tiêu thụ sản phẩm sắn trên thế giới suy giảm và nhu cầu nguyên liệu dành cho sản xuất ethanol tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng cao, thì khả năng kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt mốc 2 tỷ USD là một mục tiêu không dễ đạt được.

 

Gửi cảm nhận của bạn


Các bài liên quan

Vietnam Cassava Association

Email: hiephoisanvietnam@gmail.com
Head office: No 3,  479 Alley, Hoang Quoc Viet Street, Cau Giay District, Ha Noi. 

Telephone: (+84.24) 3793.9168         Fax: (+84.24) 37939168

           Representative office: 32 D7 Villa. Saigon Pearl, No 92 Nguyen Huu Canh Street, No 22 Ward, Binh Thanh District, Hochiminh.

 

.

Thiết kế bởi VTM IT